sơ đồ - Thành ủy Đông Hà

Trung tâm Y tế thành phố Đông Hà tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết

Post date: 24/11/2023

        Từ đầu năm đến ngày 06/11/2023 đã có 147 trường hợp bị mắc sốt xuất huyết, tại 8/9 phường trên địa bàn thành phố Đông Hà. Những địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết lớn nhất tại thành phố Đông Hà gồm: Phường 5 có 58 ca, Phường 1 có 29 ca, Phường 4 có 16 ca, Phường 3 có 13 ca, phường Đông Lương có 13 ca, phường Đông Lễ có 12 ca, phường Đông Giang có 4 ca, Phường 2 có 2 ca. Riêng đối với Phường Đông Thanh chưa ghi nhận ca mắc nào.

Cán bộ trung tâm y tế thành phố Đông Hà phun thuốc diệt muỗi

Trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch sốt xuất huyết và dự báo trong thời gian tới số ca mắc có xu hướng gia tăng trên địa bàn thành phố, Trung tâm Y tế thành phố Đông Hà đã chỉ đạo Trạm Y tế 9 phường đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết và thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng phòng bệnh lây truyền qua muỗi.

Để tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết Trung tâm Y tế thành phố đã đẩy mạnh các biện pháp giám sát dịch, thực hiện nghiêm chế độ báo cáo dịch thường xuyên và báo cáo dịch khẩn cấp theo quy định của Bộ Y tế. Hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật, đồng thời huy động đầy đủ nhân lực, phương tiện, trang thiết bị, hóa chất sẵn sàng đáp ứng công tác phòng, chống dịch. Tổ chức giám sát xác định các chỉ số muỗi, bọ gậy, tình trạng dụng cụ chứa nước thường xuyên, định kỳ tại các phường, trong từng khu vực dịch tễ về dịch bệnh sốt xuất huyết nhằm phản ánh sự biến động của quần thể véc tơ (muỗi, lăng quăng/bọ gậy). Khi phát hiện chỉ số côn trùng cao Trung tâm y tế thành phố Đông Hà triển khai ngay các hoạt động chống dịch như: tuyên truyền, tổ chức các đợt tổng vệ sinh môi trường diệt bọ gậy. Đồng thời, tổ chức giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động sau các đợt tổng vệ sinh môi trường, báo cáo kết quả về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế thành phố Đông Hà đã tăng cường công tác tuyên truyền về tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết và các biện pháp phòng, chống dịch bằng nhiều hình thức: truyền thông lưu động, treo pano, áp phích, tờ rơi. Huy động các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, doanh nghiệp tại địa phương tăng cường tuyên truyền để người dân biết và tham gia các đợt tổng vệ sinh môi trường; thông báo rộng rãi và công khai về phun hóa chất xử lý, để người dân nắm được lịch phun hóa chất trên địa bàn phường; tập trung tuyên truyền người dân dọn dẹp nhà cửa thoáng, sạch sẽ, loại bỏ các vật dụng chứa nước đọng; ngủ phải mắc màn.

Khác với muỗi truyền bệnh sốt rét, muỗi truyền bệnh SXH đẻ trứng trong những dụng cụ chứa nước nhỏ trong các hộ gia đình. Điều này có nghĩa là nếu không có những nỗ lực của từng hộ gia đình trong việc loại trừ môi trường đẻ trứng của muỗi, chúng ta sẽ không thể ngăn chặn một cách hiệu quả sự lan tràn của bệnh SXH. Do đó, để chủ động phòng bệnh sốt xuất huyết Trung tâm Y tế thành phố Đông Hà khuyến cáo người dân mỗi tuần hãy dành 10 phút để diệt bọ gậy/lăng quăng và thực hiện các biện pháp phòng bệnh. Mỗi người, mỗi gia đình hãy kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên lau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để diệt lăng quăng, bọ gậy. Thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt lăng quăng/bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh. Loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các dụng cụ có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng. Để diệt muỗi và phòng muỗi đốt: ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi…Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do muỗi vằn đốt truyền bệnh có thể dẫn đến tử vong, bệnh sốt xuất huyết hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên biện pháp phòng bệnh quan trọng nhất là diệt muỗi, bọ gậy/lăng quăng và phòng chống muỗi đốt. Nếu không có bọ gậy/loăng quăng, không có muỗi truyền bệnh thì không có bệnh SXH.

 Người bị SXH hoặc nghi bị mắc bệnh phải nằm trong màn, tránh muỗi đốt để không lây bệnh sang người khác. Đặc biệt lưu ý, khi có các biểu hiện nghi ngờ bị mắc SXH (sốt cao đột ngột, liên tục; nhức đầu, chán ăn, buồn nôn; đau cơ, khớp, nhức hai hố mắt...) cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.

Diệt lăng quăng, bọ gậy là trách nhiệm của mọi nhà. Cộng đồng chung tay đẩy lùi sốt xuất huyết. Không có lăng quăng, bọ gậy, không có sốt xuất huyết.

 

More

VĂN BẢN MỚI

THĂM DÒ Ý KIẾN

0 người đã tham gia bình chọn