sơ đồ - Thành ủy Đông Hà

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm về đảm bảo an toàn thực phẩm

Post date: 24/05/2023

An toàn thực phẩm là một trong những mối quan tâm hàng đầu của người dân; để đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người dân, cùng với sự vào cuộc của ngành chức năng thì việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm về đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân cũng các cơ sở sản xuất kinh doanh là một vấn đề được quan tâm hiện nay, nhất là trong thực hiện “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2023.

Có thể nói, an toàn thực phẩm có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm sức khỏe con người. Do đó, công tác tuyên truyền, vận động đóng vai trò then chốt, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của người dân, các cơ sở sản xuất kinh doanh trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng. Trong thời gian qua, cùng với các ngành cấp tỉnh, thành phố Đông Hà đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về đảm bảo an toàn thực phẩm, tổ chức nhiều đợt kiểm tra an toàn thực phẩm trên địa bàn. Nhờ vậy, nhiều hộ kinh doanh, các cơ sở sản xuất, kinh doanh ngày càng ý thức hơn trong việc tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, nâng cao trách nhiệm với các sản phẩm do mình làm ra và sức khỏe người tiêu dùng.

Tuy nhiên, thực tế bên cạnh những hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất thực hiện nghiêm túc đảm bảo an toàn thực phẩm thì trên thị trường cả nước nói chung cũng như một số địa phương nói riêng, tình trạng một số cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh chưa chấp hành đầy đủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm vẫn còn xảy ra. Một số người kinh doanh thực phẩm chạy theo lợi nhuận, sẵn sàng sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn vệ sinh, vi phạm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm... Chính vì vậy, để nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, các các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, quản lý đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện tốt các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm, lựa chọn các thực phẩm chất lượng, góp phần bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình, cộng đồng.

Tại thành phố Đông Hà, từ đầu năm đến nay, trên cơ sở chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh và các văn bản quy định pháp luật hiện hành, UBND thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và triển khai tổ chức thực hiện đảm bảo công tác an toàn thực phẩm trên địa bàn. Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm thành phố đã ban hành Kế hoạch triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2023. UBND thành phố đã phối hợp với Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh tổ chức Lễ phát động “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2023 tại Công viên Lê Duẩn; chỉ đạo Trung tâm Văn hóa Thông tin - Thể dục thể thao thành phố tăng cường thời lượng phát sóng, đưa tin trên các phương tiện thông tin của thành phố về nội dung, hoạt động hưởng ứng “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2023 với chủ đề “Bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới” trên địa bàn. Treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền tại các chợ, các khu dân cư; đồng thời, lồng ghép công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức, pháp luật về an toàn thực phẩm cho các cơ sở kinh doanh thực phẩm, bếp ăn tập thể trong quá trình triển khai công tác kiểm tra, giám sát.

Cùng với công tác tuyên truyền, công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố được tổ chức thực hiện. Theo Quyết định số 1810/QĐ-UBND ngày 31/8/2022 về việc phê duyệt danh sách cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, cơ sở dịch vụ nấu ăn lưu động thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của UBND thành phố, thành phố quản lý 329 cơ sở, trong đó 255 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 46 bếp ăn tập thể và 28 cơ sở dịch vụ nấu ăn lưu động. Tính trong 4 tháng đầu năm nay, tại thành phố tổ chức 03 Đoàn kiểm tra về an toàn thực phẩm. Có 123 cơ sở được kiểm tra, trong đó số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống: 56 cơ sở, tỷ lệ đạt 62,5%, Bếp ăn tập thể 46 cơ sở: tỷ lệ đạt 65,2%, thức ăn đường phố và các quầy bánh kẹo: 19 cơ sở: tỷ lệ đạt 26,31%, căng tin trường học: 02 cơ sở, tỷ lệ đạt 50%. Qua kiểm tra, đã xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm đối với 11 cá nhân.

Có thể khẳng định: Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” là đợt cao điểm đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm; kịp thời thông tin các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng cao, các cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, an toàn thực phẩm… Đồng thời nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm đối với các cá nhân, cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm.

       Thiết nghĩ, cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, để thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm thì yếu tố cốt lõi chính là trách nhiệm và ý thức tự giác của mỗi chủ cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Và mỗi người dân phải thực sự là “người tiêu dùng thông minh”, cảnh giác với những nguy cơ từ thực phẩm bẩn, kém chất lượng; chú ý lựa chọn những thực phẩm, sản phẩm rõ nguồn gốc, xuất xứ, bảo đảm an toàn vì sức khỏe bản thân, gia đình./.

More

VĂN BẢN MỚI

THĂM DÒ Ý KIẾN

0 người đã tham gia bình chọn