Chi tiết tin - Thành ủy Đông Hà

NHỮNG GIẢI PHÁP PHỤC HỒI KINH TẾ SAU DỊCH COVID-19 VÀ MƯA LŨ KÉO DÀI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ

7:38, Thứ Ba, 6-9-2022

Năm 2020 đã đi qua với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tác động của đại dịch bệnh Covid-19 và thiên tai, lụt bão đã ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của nhân dân trên địa bàn. Trên lĩnh vực kinh tế, do tác động của dịch Covid-19 và thực hiện giãn cách xã hội đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch, lưu trú…; sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn và tăng trưởng chậm, một số doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, cắt giảm công suất... Sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn và bị thiệt hại lớn do nắng hạn kéo dài trong những tháng đầu năm và các đợt lũ lớn xảy ra liên tiếp trong tháng 10/2020; tuy không đạt kế hoạch đề ra, song tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2020 đạt 7,48%, là mức tăng trưởng khá cao trong điều kiện đất nước và địa phương gặp nhiều khó khăn.

Năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; để thực hiện thắng lợi Kết luận số 01-KL/TU ngày 11/12/2020 của BCH Đảng bộ thành phố khóa XIII và Nghị quyết số 128/NQ-HĐND ngày 16/12/2020 của HĐND thành phố về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 đòi hỏi phải có nhiều giải pháp đồng bộ; riêng trên lĩnh vực kinh tế, cần có những giải pháp hiệu quả, sát đúng để tạo đòn bẩy thúc đẩy kinh tế thành phố phát triển.

Với quan điểm thực hiện có hiệu quả mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phục hồi phát triển KT-XH; trong năm 2021, thành phố tiếp tục thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách, nhất là các chính sách mới của Trung ương, của tỉnh về hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp, khởi sự doanh nghiệp; tiến hành rà soát nắm thông tin, tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh; khuyến khích các doanh nghiệp gia tăng sản lượng để bù đắp cho các sản phẩm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Động viên, khuyến khích các doanh nghiệp chủ động hơn về nguồn cung ứng nguyên liệu trong nước để đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh theo Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ; nhất là các thủ tục hành chính, chính sách về tín dụng; gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất; miễn giảm thuế, phí, lệ phí, điện, BHXH…

Giới thiệu, quảng bá hình ảnh của thành phố Đông Hà, xây dựng danh mục các dự án nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển thương mại - dịch vụ, nhất là xây dựng các chợ và trung tâm thương mại gắn với nâng cao chất lượng văn minh thương mại. Tăng cường phối hợp, hướng dẫn, nâng cao hiệu quả hoạt động Khu ẩm thực và Chợ đêm Phường 2 và Chợ phường 3 (sau khi thực hiện sáp nhập); trên cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn của tỉnh, tiếp tục phối hợp với Sở Công thương và các Sở, ngành liên quan để triển khai thực hiện kế hoạch chuyển đổi mô hình quản lý chợ trên địa bàn, nhất là chợ Đông Hà theo đúng tiến độ; tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho doanh nghiệp gắn với triển khai kế hoạch tuyên truyền vận động hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp; khai thác có hiệu quả hoạt động các chợ phường, nâng cao uy tín, thương hiệu Chợ Đông Hà; phối hợp các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động thương mại theo thẩm quyền, nhất là chợ Đông Hà và trên các tuyến phố chính. Xử lý nghiêm các hành vi mua bán hàng giả, hàng cấm, niêm yết giá không đúng quy định, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, đúng pháp luật; tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền về chất lượng hàng Việt và hưởng ứng phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Với mục tiêu đẩy mạnh phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm địa phương, tạo động lực tăng trưởng kinh tế, trong năm 2021, tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động các cụm công nghiệp trên địa bàn, động viên doanh nghiệp khắc phục khó khăn, đổi mới máy móc, thiết bị, ứng dụng công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng và xây dựng thương hiệu sản phẩm; chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế như: May mặc xuất khẩu, sản xuất ván ép, gỗ mỹ nghệ, trang trí nội thất, cơ khí, sản phẩm từ thảo dược, sản phẩm tham gia chương trình OCOP... Huy động nhiều nguồn lực và tranh thủ vốn hỗ trợ của trung ương, tỉnh và ngân sách thành phố để từng bước hoàn thiện các hạng mục thiết yếu cụm công nghiệp Quốc lộ 9D để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp và phục vụ công tác di dời các cơ sở sản xuất, giải quyết vấn đề ô nhiễm trong khu dân cư; tham gia tích cực cuộc bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Quảng Trị. Lựa chọn các sản phẩm để tham gia vào các quầy hàng giới thiệu và bán sản phẩm của tỉnh tại các hội chợ, điểm tham quan du lịch, các khu trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm địa phương. Tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật có liên quan cho các doanh nghiệp, các phường và các khu phố trên địa bàn thành phố.

Đối với sản xuất nông nghiệp, cần tổ chức khẩn trương khắc phục hậu quả sau bão lụt năm 2020; trọng tâm là sửa chữa, khôi phục cơ sở hạ tầng, khôi phục sản xuất trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản; có giải pháp tích cực đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng nông nghiệp bị hư hỏng, hỗ trợ nông dân để kịp thời triển khai sản xuất vụ Đông Xuân 2020 - 2021 đúng lịch thời vụ và đảm bảo thắng lợi. Đến nay, bằng nhiều nguồn lực của trung ương, tỉnh, thành phố, các tổ chức, cá nhân, đã hỗ trợ cho người nông dân trên địa bàn các loại giống để khôi phục sản xuất, gồm: 39 tấn giống lúa, 1.555 tấn giống ngô, 1.313 tấn giống rau và 5.000 con gà giống; bên cạnh đó, từ nguồn quỹ cứu trợ khắc phục hậu quả thiên tai của UBMTTQVN tỉnh và thành phố tiếp tục hỗ trợ thêm phân bón, giống cây trồng, giống lợn để khôi phục và tái đàn sau lũ lụt và dịch tả lợn châu Phi.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án Phát triển nông nghiệp đô thị ngay từ năm đầu tiên, cần tập trung nhiều giải pháp. Trước mắt là tổ chức phổ biến, tuyên truyền và triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 132/NQ-HĐND ngày 16/12/2020 của HĐND thành phố về việc thông qua Đề án phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố Đông Hà đến năm 2025 nhằm tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, các đoàn thể, cán bộ và Nhân dân từ thành phố đến cơ sở. Tăng cường phối hợp các đơn vị, địa phương liên quan tiến hành rà soát, đề xuất quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, làm cơ sở để đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển các mô hình nông nghiệp; theo đó ưu tiên rà soát, nghiên cứu có phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhất là chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng, con nuôi, thủy sản có hiệu quả kinh tế cao hơn, góp phần nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất. Trong điều kiện quỹ đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, để duy trì tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp và nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích, cần tiếp tục đầu tư thâm canh và khuyến khích chuyển đổi, tích tụ ruộng đất, tăng cường chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ KHCN vào sản xuất; ưu tiên ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, công nghệ sinh học, giống cây trồng, con nuôi mới có hiệu quả kinh tế, tạo đột phá trong thực hiện tái cơ cấu và phát triển nông nghiệp đô thị. Trong năm 2021, trên cơ sở nội dung Đề án, thành phố sẽ tập trung xây dựng và nhân rộng một số mô hình phù hợp, có hiệu quả nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, để rút kinh nghiệm nhân ra diện rộng. Tiếp tục duy trì, nhân rộng mô hình cánh đồng lớn trên cây lúa, tạo điều kiện thuận lợi để liên kết với doanh nghiệp trong vấn đề sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa an toàn vệ sinh thực phẩm, lúa hữu cơ, tăng thu nhập cho người nông dân. Rà soát lại các vùng rau an toàn trên địa bàn để đề xuất Sở Nông nghiệp và PTNT cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất, sơ chế; duy trì phát triển vùng sản xuất rau VietGAP (5 ha) gắn với việc tìm kiếm tạo thuận lợi đầu ra cho sản phẩm. Phát triển đa dạng chủng loại hoa phù hợp, có giá trị kinh tế, tạo sản phẩm quanh năm ở vùng trồng hoa, cây cảnh tập trung phường Đông Giang. Tiến hành khảo sát, đánh giá hiệu quả mô hình trồng hoa trong nhà màng để xem xét nhân rộng. Trên cơ sở quy hoạch chi tiết, thu hút các nguồn lực để từng bước đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng vùng trồng hoa tập trung phường Đông Giang (giai đoạn 2) để sớm đưa vào khai thác sử dụng. Thực hiện tốt Quy chế quản lý vùng nuôi tôm và phát triển các vùng nuôi tôm nước lợ theo hướng bền vững, hạn chế dịch bệnh xảy ra; nhân rộng mô hình nuôi tôm 2-3 giai đoạn. Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu để xây dựng, nhân rộng mô hình trồng cây dược liệu, cây ăn quả tại vùng gò đồi Khe Lấp, Phường 3 theo hướng sản xuất nông lâm kết hợp. Tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, chuyển mục đích sử dụng đất, thông tin về quy hoạch… để thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển nông nghiệp, nhất là các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các dự án trang trại quy mô lớn… Trên cơ sở chính sách của tỉnh, của thành phố, ưu tiên huy động các nguồn vốn để đầu tư kết cấu hạ tầng cho các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, gồm: Hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng, cải tạo đồng ruộng, hệ thống điện, xây dựng nhà lưới, nhà màng, nuôi tôm 2 giai đoạn, hệ thống tưới, trong đó ưu tiên các lĩnh vực, cây trồng, con nuôi có lợi thế, phù hợp với điều kiện về đất đai, lao động của từng vùng trên địa bàn thành phố.

Hy vọng trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, nhất là trong năm 2021 với việc triển khai nhiều chính sách và giải pháp phù hợp, cùng với dấu hiệu khởi sắc của nền kinh tế, thành phố Đông Hà sẽ có nhiều đổi mới và đạt kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và đô thị hóa./.

Các tin khác

VĂN BẢN MỚI

THĂM DÒ Ý KIẾN

0 người đã tham gia bình chọn