sơ đồ - Thành ủy Đông Hà

Bài học về cách ứng xử: NƯỚC NÓNG, NƯỚC NGUỘI

8:39, Thứ Tư, 27-9-2023

Trong phong cách Hồ Chí Minh, có một đặc trưng mang dấu ấn riêng, rất Hồ Chí Minh đó là phong cách ứng xử của Người. Tính nhất quán trong phong cách ứng xử Hồ Chí Minh là sự chân thành bình dị, tự nhiên, trong vắt như suối tận nguồn của một tâm hồn đại trí, đại nhân, đại dũng; không phải là “nghệ thuật xã giao” được gò theo những nguyên tắc định sẵn, càng không phải là những “xảo thuật xử thế” giả dối để mua chuộc lòng người, mà đó là sự "kết tinh của truyền thống văn hoá hàng ngàn năm của nhân dân Việt Nam và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc dân tộc mình và tiêu biểu cho việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau của các dân tộc”; hướng con người đến chân, thiện, mỹ.

Chuyện kể rằng:

Buổi đầu kháng chiến chống Pháp, có một đồng chí cán bộ Trung đoàn thường hay quát mắng chiến sĩ. Đồng chí này đã từng làm giao thông, bảo vệ Bác đi ra nước ngoài trước Cách mạng tháng Tám.

Được tin nhân dân phản ánh về đồng chí này, một hôm, Bác cho gọi lên Việt Bắc. Bác dặn trạm đón tiếp, dù đồng chí này có đến sớm, cũng giữa trưa mới cho đồng chí ấy vào gặp Bác.

Trời mùa hè, nắng chang chang, đi bộ đúng ngọ nên đồng chí Trung đoàn vã cả mồ hôi, người như bốc lửa. Đến nơi, Bác đã chờ sẵn. Trên bàn đặt hai cốc nước, một cốc nước sôi có ý chừng vừa như mới rót, bốc hơi nghi ngút, còn cốc kia là nước lạnh.

Sau khi chào hỏi xong, Bác chỉ vào cốc nước nóng nói:

- Chú uống đi. 

Đồng chí cán bộ kêu lên:

- Trời! Nắng thế này mà Bác lại cho nước nóng làm sao cháu uống được.

Bác mỉm cười:

- À ra thế. Thế chú thích uống nước nguội, mát không?

- Dạ có ạ. 

Bác nghiêm nét mặt nói:

- Nước nóng, cả chú và tôi đều không uống được. Khi chú nóng, cả chiến sĩ của chú và cả tôi cũng không tiếp thu được. Hòa nhã, điềm đạm cũng như cốc nước nguội dễ uống, dễ tiếp thu hơn.

Hiểu ý Bác giáo dục, đồng chí cán bộ nhận lỗi, hứa sẽ sửa chữa.

 Qua câu chuyện chúng ta đều thấy rằng cách ứng xử của Bác hết sức sâu sắc, khéo léo và thâm túy. Ở đây Bác muốn nói với anh lính rằng: “Khi giận dữ rất dễ mất kiểm soát bản thân mình, khi giận lên anh có thể làm nhiều việc mà không suy nghĩ đến hậu quả của nó, dễ dàng đưa ra một số quyết định không mấy sáng suốt, hoặc nói ra những điều không nên… chỉ để thỏa mãn cơn giận”. Cơn giận có thể vô tình làm tổn thương đến những người xung quanh, lưu lại trong ký ức của họ một hình ảnh không tốt đẹp.

Câu chuyện đã cho chúng ta hiểu sự quan tâm của Bác đến cách quản lý con người, một bài học về tâm lý sâu sắc và hiệu quả cho tất cả mỗi người chúng ta. Trong cuộc sống hiện nay, dù mỗi cá nhân đang công tác bất cứ vị trí công tác nào, trong gia đình hay ngoài xã hội, các mối quan hệ phát sinh ngày càng nhiều, để giải quyết tốt mọi thứ là điều khó đạt được. Do vậy, cùng với việc căng thẳng về thời gian, áp lực công việc đôi lúc làm chúng ta bực dọc, nóng nảy khi kết quả không như mong muốn. Nếu chúng ta không tự học cách kìm chế bản thân, thì bầu không khí xung quanh càng nặng nề và tiếp tục gây ra hậu quả xấu. Vì vậy, trong mọi trường hợp hãy thật bình tĩnh, xử lý khéo léo tình huống để có được kết quả tốt nhất.

Các tin khác

VĂN BẢN MỚI

THĂM DÒ Ý KIẾN

0 người đã tham gia bình chọn