sơ đồ - Thành ủy Đông Hà

Vai trò của gia đình trong phát triển kinh tế xã hội của thành phố Đông Hà

14:45, Thứ Hai, 26-6-2023

       Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình".

Những năm qua, trong các văn kiện của Đảng đề cập đến việc xây dựng gia đình thời đại mới, khẳng định vai trò của gia đình đối với sự phát triển của đất nước. Điều đó cho thấy trong giai đoạn hiện nay, gia đình có vị trí, vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội. Ngày 28/6 được chọn là Ngày Gia đình Việt Nam theo Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg, ngày 04/5/2001 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là một chủ trương nhằm đề cao trách nhiệm các ngành, các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội cùng toàn thể Nhân dân thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thành phố Đông Hà hiện nay với trên 22 ngàn hộ gia đình đang sinh sống trên địa bàn đã và đang có những đóng góp rất quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng và phát triển của thành phố. Trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo của UBND và Ban Chỉ đạo công tác gia đình thành phố, các phường đã làm tốt công tác chỉ đạo, điều hành đẩy mạnh thực hiện xây dựng gia đình văn hoá, xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc. Các gia đình đã chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia thực hiện xây dựng phường đạt chuẩn đô thị văn minh, tuyến phố văn minh đô thị, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, đã góp phần không nhỏ vào việc thực hiện thắng lợi các kế hoạch của thành phố đề ra. Ngoài ra các gia đình cũng đã thực hiện tốt công tác xã hội hóa, đóng góp ngày công và kinh phí trong việc xây dựng bê tông hóa giao thông, các tuyến đường điện chiếu sáng, xây dựng các thiết chế văn hóa thể thao, trồng các tuyến đường hoa…; thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, bảo vệ cảnh quan đường phố, tạo môi trường sạch đẹp.

Qua hỗ trợ phát triển kinh tế của thành phố bằng các tổ Tiết kiệm - Tín dụng và các tổ vay vốn, các nguồn vốn vay từ các chương trình, dự án để hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững; hỗ trợ vốn và tập trung chỉ đạo phát triển mô hình Tổ hợp tác kinh tế, các nhóm chuyên ngành, chuyên nghề, liên kết sản xuất, kinh doanh tại các phường như trồng rau sạch, trồng hoa, nghề giá đỗ, trồng nấm rơm, nấm sò… đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các gia đình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết việc làm cho lao động tại các phường, góp phần xóa đói giảm nghèo của thành phố. Đến nay, toàn thành phố còn 1,72% hộ nghèo và 5,61% hộ cận nghèo, đời sống của Nhân dân ngày một nâng cao.

 Các phường cũng đã thành lập được có 25 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, 05 CLB tiền hôn nhân, 05 câu lạc bộ Bà mẹ và trẻ em gái phòng chống xâm hại tình dục, 05 Câu lạc bộ gia đình hạnh phúc; 59/62 khu phố ký kết không có tội phạm và tệ nạn xã hội, xây dựng 62 địa bàn khu phố không có người sinh con thứ 3 trở lên; 152 Chi hội khuyến học, có 55 Ban khuyến học các dòng họ ở 9/9 phường, có 6.200 gia đình đạt danh hiệu gia đình hiếu học. Các CLB này hoạt động hiệu quả và vai trò gia đình được phát huy nên tình trạng ly thân, ly hôn trên địa bàn giảm đáng kể; những xung đột mâu thuẫn vợ chồng giảm dần và được phát hiện hoà giải kịp thời ngay từng gia đình, từ đó vấn đề bạo lực gia đình ít xảy ra. Các tệ nạn xã hội được phát hiện kịp thời, sự tham gia phòng ngừa và đấu tranh ngăn chặn tệ nạn xã hội được các gia đình tham gia tích cực. Nhiều truyền thống văn hoá của dân tộc, quê hương được giữ gìn và phát huy, hình thành được những nếp sống văn hoá tốt đẹp, thấm đậm tình phường nghĩa phố. Những tập tục lạc hậu, tệ nạn xã hội từng bước được ngăn chặn, đẩy lùi. Đến nay, thành phố có 22.145/22.914 hộ gia đình được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 96,6%.

Bằng nội lực và ý chí quyết tâm, đoàn kết, năng động, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố, kinh tế - xã hội của thành phố Đông Hà đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, bộ mặt đô thị ngày một khang trang, khởi sắc, những thành công đó có sự đóng góp không nhỏ của các gia đình trên địa bàn thành phố.

Tuy nhiên, trước xu thế chung của xã hội và quá trình phát triển đi lên của một đô thị trẻ thì vấn đề gia đình ở thành phố vẫn còn xảy ra một số hiện tượng không phù hợp với đạo đức, văn hoá truyền thống của gia đình Việt Nam, như tình trạng xung đột vợ chồng, bạo lực gia đình, nguyên nhân thường tập trung vào quan niệm lạc hậu, nhu cầu đông con có trai có gái, mâu thuẫn nghề nghiệp, thu nhập, ngoại tình, rượu chè, cờ bạc… hệ quả để lại là sống ly thân, ly hôn, một số trường hợp phải có sự can thiệp của cộng đồng, của cơ quan pháp luật.

Để gia đình ngày càng phát triển bền vững thì đòi hỏi phải có sự quan tâm của các cấp, các ngành và của toàn xã hội; phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nhằm nâng cao nhận thức của Nhân dân về vị trí, vai trò của gia đình trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước về hôn nhân và gia đình.

Tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương đối với công tác gia đình, đưa các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu về công tác gia đình vào kế hoạch và chương trình phát triển kinh tế xã hội hàng năm của địa phương.

Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo Công tác gia đình các cấp, trong đó chú trọng việc xây dựng gia đình văn hóa để gia đình văn hóa thực sự là gia đình mẫu mực trong cộng đồng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Đồng thời, nâng cao hiệu quả và nhân rộng hoạt động các mô hình câu lạc bộ gia đình; gắn gia đình với dòng họ để thực hiện tốt quy ước của Khu phố văn hóa. Hàng năm tổ chức hội nghị biểu dương gia đình văn hoá tiêu biểu, nêu gương người tốt việc tốt để động viên kịp thời các gia đình.

Tích cực đấu tranh với các hành vi bạo lực gia đình, vi phạm quyền bình đẳng giới, bài trừ các tập tục lạc hậu, chủ động phòng ngừa các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình, thực hiện lồng ghép các chương trình, có các giải pháp thích hợp để hỗ trợ các gia đình phát triển kinh tế, tăng thu nhập nhằm nâng cao cuộc sống gia đình.

Các cấp, các ngành, Ủy ban Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp thực hiện, nêu cao trách nhiệm và chủ động phối hợp hành động, trong đó ưu tiên việc hỗ trợ vốn và công nghệ, tạo việc làm ổn định cho các gia đình; phát triển kinh tế gắn với kế hoạch hóa gia đình, phòng chống tệ nạn xã hội, đây là điều kiện cơ bản để các gia đình thực hiện tốt chức năng vốn có của mình./.  

Các tin khác

VĂN BẢN MỚI

THĂM DÒ Ý KIẾN

0 người đã tham gia bình chọn