Chi tiết tin - Thành ủy Đông Hà

Câu chuyện: Bác không thăm những người như mẹ con thím thì còn thăm ai

9:50, Thứ Sáu, 29-12-2023

 

Trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tình yêu thương con người chiếm giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Với Hồ Chí Minh, yêu thương con người, sống có tình nghĩa là một nét sáng về đạo đức, hàm chứa giá trị nhân văn cao đẹp, có ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách con người Việt Nam. Vì lẽ đó, Người luôn quan tâm giáo dục đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng về lòng yêu thương con người, sống có nghĩa có tình và chính Người là biểu tượng cao đẹp cho phẩm chất đạo đức cao quý ấy. Chuyện kể rằng:

 

 

Vào Tối 30 Tết năm  (1962), đường phố mịt mờ trong làn mưa bụi. Trời rét, xe ô-tô đưa Bác đến đầu phố Lý Thái Tổ thì dừng lại. Bác tới thăm gia đình chị Chín. Bác chọn một gia đình có nhiều khó khăn để đến thăm và chúc Tết. Chồng chị Chín mất sớm, để lại 3 đứa con nhỏ. Chị không có công việc ổn định, gặp việc gì làm việc đó để lấy tiền nuôi con. Bác bước vào nhà, chị Chín sửng sốt nhìn Bác. Chiếc đòn gánh bổng rơi khỏi vai chị. Chiếc thùng sắt rơi xuống đất kêu loảng xoảng. Mấy cháu nhỏ kêu lên: “Bác! Bác Hồ!” rồi chạy lại quanh Bác. Lúc này chị Chín mới như chợt tỉnh, chị chạy tới ôm choàng lấy Bác rồi bỗng nhiên khóc nức nở. Đôi vai gầy sau làn áo nâu bạc rung lên từng đợt. Bác đứng lặng, hai tay Người nhè nhẹ vuốt lên mái tóc chị Chín. Chờ cho chị bớt xúc động, Bác an ủi:

- Năm mới sắp đến, Bác đến thăm thím, sao thím lại khóc?

Tuy cố nén, nhưng chị Chín vẫn không ngừng thổn thức, chị nói:

 - Thưa Bác có bao giờ… có bao giờ chủ tịch nước lại tới thăm nhà chúng con…,mà bây giờ mẹ con chúng con lại được thấy Bác ở nhà. Con cảm động quá! Mừng quá… thành ra con khóc.

Bác nhìn chị Chín, nhìn các cháu một cách trìu mến và bảo:

 - Bác không tới thăm những người như mẹ con thím thì thăm ai?

- Bác đến bên các cháu, âu yếm xoa đầu và trao qùa Tết cho các cháu. Bác quay lại hỏi chị Chín:

 - Thím hiện nay làm gì?

 - Dạ, cháu làm phu khuân vác ở Văn Điển ạ!

 - Như vậy là làm công nhân chứ! Sao lại gọi là phu?

 - Vâng ạ, cháu trót quen miệng như trước kia.

 - Thím vẫn chưa có công việc ổn định à?

 - Dạ, cháu đã ngoài 30 tuổi, lại kém văn hoá nên tìm việc có nghề nghiệp cũng khó.

Bác quay lại nhìn ông Chủ tịch Ủy ban hành chính Thành phố Hà Nội, rồi Bác lại hỏi tiếp chị Chín:

 - Mẹ con thím có bị đói không?

 - Dạ, bữa cơm, bữa cháo cũng tạm đủ ạ! Nói tới đây chị lại rơm rớm nước mắt.

 Bác chỉ vào cháu lớn nhất và hỏi:

 - Cháu có đi học không?

  - Dạ thưa Bác, con cháu đang học lớp 4 ạ. Cháu nó vất vả lắm, sáng đi học, chiều về trông các em và đi bán kem hoặc bán lạc rang để đỡ đần cháu… Thưa Bác! Dù khó khăn, cháu cũng sẽ cố cho các cháu học hành ạ. Nghe chị Chín nói, Bác tỏ ý hài lòng. Bác ân cần dặn dò chị về việc làm ăn và việc học hành cho các cháu. Trên đường về Phủ Chủ tịch, mưa xuân như rắc bụi, trời càng lạnh. Ngồi trong xe, Bác đăm chiêu suy nghĩ.

Sau Tết, Bác Hồ đã chỉ thị cho Ủy ban hành chính Thành phố Hà Nội phải chú ý tạo công ăn việc làm cho những người lao động gặp nhiều khó khăn như chị Chín.

Câu chuyện Tết Bác đến thăm gia đình chị Chín là một trong những câu chuyện thể hiện hành động, một việc làm đời thường cụ thể nhưng chứa đựng một triết lý sống, một nhân cách vĩ đại, tâm hồn cao cả với một tình thương yêu bao la vô tận đối với con người của Bác Hồ. Chỉ một câu hỏi nhẹ nhàng hàm ý trả lời “Bác không tới thăm những người như mẹ con thím thì thăm ai?” nhưng chứa đựng cả nỗi lòng tràn đầy tình yêu thương của Bác trước những mảnh đời cơ cực. Câu chuyện là một minh chứng cho tư tưởng, đạo đức và phong cách về ý thức tôn trọng nhân dân, chăm lo đời sống nhân dân của Người.

Là chủ tịch nước, sứ mệnh của cả dân tộc đang đặt trên đôi vai Bác. Biết bao công việc bộn bề, vậy mà Bác vẫn dành thời gian để đến thăm những gia đình nghèo khổ khi năm cũ sắp qua - xuân mới đã về.  Đó chính là tình thương yêu con người, là sự chăm lo ân cần của Bác đối với nhân dân, đặc biệt là những người nghèo khổ, có hoàn cảnh bất hạnh. Chính vì vậy, đức độ của Bác theo năm tháng càng khắc ghi sâu đậm không bao giờ phai nhạt và lung linh toả sáng trong tâm hồn mỗi người Việt Nam.

Nghe kể về Bác để mỗi chúng ta nghiêm túc tự suy ngẫm lại bản thân mình, nhắc nhở bản thân cần phải ra sức phấn đấu, tu dưỡng và rèn luyện đạo đức, phải thực hiện nêu gương "nói đi đôi với làm". Dù ở cương vị nào, mỗi cán bộ, đảng viên cũng phải thương yêu, quý trọng, chăm lo đời sống cho nhân dân, biết đồng cảm, quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ trước những khó khắn, mất mát của nhân dân, không được thờ ơ, vô cảm trước nỗi đau, số phận không may mắn, không được cậy thế hách dịch cửa quyền với nhân dân.

Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã đi xa nhưng Người đã để lại tài sản vô giá là tư tưởng và tấm gương đạo đức trong sáng, mẫu mực, cao đẹp, kết tinh những giá trị truyền thống của dân tộc, của nhân loại và thời đại. Cả cuộc đời, Bác dành tất cả tình thương yêu cho mọi người - từ trẻ thơ đến cụ già, từ miền ngược tới miền xuôi, từ đồng bào mình tới những người cùng khổ trên thế giới. Và điều ấy đã lý giải vì sao Bác không phải chỉ ở trong trái tim nhân dân ta mà còn trong trái tim nhân loại.

 

Các tin khác

VĂN BẢN MỚI

THĂM DÒ Ý KIẾN

0 người đã tham gia bình chọn