Chi tiết tin - Thành ủy Đông Hà

Câu chuyện: ĐỂ BÁC QUẠT

15:9, Thứ Hai, 26-6-2023

Sinh thời, Bác Hồ luôn quan tâm tới sự hy sinh cao cả của các anh hùng, thương binh, liệt sĩ. Đó là những con người dũng cảm xả thân cho Tổ quốc được độc lập, tự do; cống hiến cả tuổi xanh của mình cho tương lai đất nước. Câu chuyện “Để Bác quạt” nói lên sự quan tâm của Bác đối với Thương binh, liệt sỹ.

Chuyện kể rằng: Năm ấy, Bác đến thăm trại điều dưỡng thương binh ở Hà Nội. Tin Bác đến nhanh chóng lan ra khắp trại.

Anh chị em thương binh ai cũng muốn len vào gần Bác, quên cả nạng phải dùng để đi.

Đang lúc Bác thăm hỏi sức khỏe thương binh, bỗng một đồng chí hỏng mắt nhờ một y tá dẫn đến xin đứng vào gần Bác, vừa quay lại thì Bác cũng đi tới…

 Đồng chí Ninh đi với Bác định bước lại đỡ đồng chí ấy, nhưng Bác đã đi tới, giơ hai tay ra đón đồng chí thương binh.

Hình như có linh cảm đặc biệt; đồng chí thương binh hỏng mắt bước tới ôm chầm lấy Bác, nghẹn ngào hai tiếng “Bác ơi”. Hai dòng nước mắt lăn xuống gò má còn chưa lành hẳn vết thương…

Bác lặng đi giây lát rồi mới tiếp tục câu chuyện thăm hỏi.

Bác đến từng giường anh chị em đau nặng hỏi thăm bệnh tật đã đỡ chưa, mỗi bữa ăn được bao nhiêu bát cơm.

Hôm ấy, trời nóng bức, Bác lấy cái quạt giấy vẫn dùng, quạt cho các thương binh. Có người định làm thay, Bác nói “Để Bác quạt”.

Hôm ấy, lúc ra về Bác không vui. Và có lẽ vì thế mà khi cơ quan định lắp máy điều hoà nhiệt độ nơi Bác ở, Bác bảo đem ra cho các đồng chí thương binh (1).

Qua mẩu chuyện trên, chúng ta thấy rất bình thường nhưng vô cùng sâu sắc, thể hiện phong cách sinh hoạt của Bác, là tấm gương, là cách Bác dạy bảo cán bộ được làm việc gần Bác một cách thiết thực nhất. Trong tình hình kinh tế và chính trị của dân ta hồi đó, việc Bác sinh hoạt bình thường như cán bộ và nhân dân chứng tỏ Bác hiểu rất rõ, rất sát tình hình đời sống vật chất của nhân dân và cán bộ, đồng thời thể hiện tấm lòng chân thành của Bác, tấm lòng của một lãnh tụ muốn cùng đồng cam, chịu gian khổ với dân, chia sẻ nỗi đau với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với nước. Đó là tấm chân tình của một công dân Việt Nam. Bác đã vượt lên trên những tập quán thông thường về cách sống của một vị lãnh tụ; chính những tập quán, lề lối đó lại thường vô hình ngăn cách lãnh tụ với nhân dân, với thực tế đời sống của xã hội. 76 năm, kể từ Ngày Thương binh – Liệt sĩ đầu tiên đến nay (27/7/1947- 27/7/2023), quán triệt tư tưởng, quan điểm và tình cảm của Bác, Đảng và Nhà nước ta cùng rất nhiều tổ chức, cá nhân đã chung tay trong các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” đối với những thương bệnh binh, gia đình liệt sỹ và những gia đình có công với đất nước, được thể hiện qua những hoạt động cụ thể, thiết thực như: Phụng dưỡng bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng, hỗ trợ gia đình thương binh, liệt sĩ, tu bổ, tôn tạo các nghĩa trang liệt sĩ, công trình tưởng niệm... Những việc làm ấy không chỉ thể hiện tấm lòng biết ơn đối với những người đã dâng hiến trọn tuổi thanh xuân cho đất nước, mà còn đề cao truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam ta. Đồng thời, tăng cường ý thức, trách nhiệm bản thân của mình, các thương, bệnh binh cũng phấn đấu theo lời Bác dặn “Tàn mà không phế”, quyết tâm vươn lên trước hoàn cảnh, là tấm gương sáng về rèn luyện, vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, trở thành những mẫu mực về đức độ và điển hình về lao động, sản xuất.…

Trong giai đoạn cách mạng mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ Việt Nam mãi biết ơn và tiếp tục khơi dậy truyền thống nhân văn sâu sắc và niềm tự hào dân tộc. Phát huy đạo lý “Nhớ về nguồn cội” đền ơn đáp nghĩa của dân tộc với những người anh hùng: “Họ chết cho Tổ quốc sống mãi, tinh thần họ đã luôn sống với non sông Việt Nam” lên tầm cao mới, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, xây dựng đất nước ta “ngày càng to đẹp hơn” sánh vai với các cường quốc trên thế giới như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn.

Các tin khác

VĂN BẢN MỚI

THĂM DÒ Ý KIẾN

0 người đã tham gia bình chọn