sơ đồ - Thành ủy Đông Hà - Cổng thông tin

sơ đồ - Thành ủy Đông Hà

Chào mừng kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2023)

10:40, Thứ Ba, 4-7-2023

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thực dân Pháp dã tâm dùng vũ lực hòng đặt lại ách thống trị trên đất nước ta một lần nữa. Trước vận mệnh đất nước đang ở tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, thù trong, giặc ngoài, nạn đói, nạn dốt hoành hành khắp nơi, việc động viên sức mạnh của toàn thể dân tộc Việt Nam là điều rất cần thiết để thực hiện nhiệm vụ cấp bách của cách mạng: Xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng, chống thực dân Pháp xâm lược, bài trừ nội phản, cải thiện đời sống Nhân dân.

Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Với ý chí “thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, toàn dân tộc Việt Nam đã nhất tề đứng lên kháng chiến, chống thực dân Pháp xâm lược.

Sau chiến thắng Việt Bắc (Thu Đông 1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra sáng kiến tổ chức, lãnh đạo phong trào thi đua ái quốc để giành thắng lợi to lớn hơn. Chấp thuận đề nghị của Người, ngày 27/3/1948, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc. Chỉ thị xác định: “… mục đích thi đua ái quốc là làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến thiết chóng thành công”. Sau khi Ban Chấp hành Trung ương ra Chỉ thị, nhân kỷ niệm 1.000 ngày kháng chiến (Ngày Nam Bộ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược 23/9/1945), ngày 11/6/1948 Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”.

Lời kêu gọi Thi đua ái quốc là sự tổng kết thực tiễn sâu sắc, đồng thời đặt ra những yêu cầu quan trọng, cấp thiết, thiết thực đối với phong trào cách mạng nước ta, trong đó, nêu rõ, mục đích thi đua: Diệt giặc đói, diệt giặc dốt và diệt giặc ngoại xâm; nhằm mục đích: Toàn dân đủ ăn, đủ mặc; toàn dân biết đọc, biết viết; bộ đội thì đầy đủ lương thực, khí giới, để diệt ngoại xâm và cao nhất là toàn quốc sẽ thống nhất, độc lập hoàn toàn.

Để đạt mục đích đó, Bác chỉ ra ai phải thi đua và thi đua làm gì: Các cụ phụ lão đốc thúc con cháu hăng hái tham gia công việc; các cháu nhi đồng thi đua học hành và giúp việc người lớn; lực lượng phú hào thi đua mở mang doanh nghiệp; đồng bào công nông thi đua sản xuất; anh em trí thức và chuyên môn thi đua sáng tác và phát minh; nhân viên Chính phủ thi đua tận tụy làm việc, phụng sự nhân dân; bộ đội và dân quân thi đua giết cho nhiều giặc, đoạt cho nhiều súng. Nói tóm lại, ai cũng thi đua, ai cũng tham gia kháng chiến và kiến quốc. Sau này, nhiều lần Người nhắc lại như một khẳng định “Yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất”

Theo lời dạy của Người, trong các cuộc kháng chiến nhiều phong trào thi đua do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng đã mang lại những kết quả thiết thực và đi vào tiềm thức của mỗi người dân, như: “Tuần lễ vàng”, “Hũ gạo cứu đói”, “Tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm”, “Diệt giặc dốt, giặc đói”, phong trào giúp đỡ bộ đội, thương binh, gia đình liệt sĩ, trong nhân dân; phong trào “Người tốt, việc tốt”, phong trào “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người ”v.v.v…Chính các phong trào thi đua yêu nước đó đã thúc đẩy cách mạng Việt Nam, một ngày bằng 20 năm làm nên Đại thắng mùa xuân năm 1975 lịch sử, thu non sông về một mối; mở ra cơ hội phát triển cho đất nước, dân tộc. Trong thời kỳ xây dựng đất nước “Đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như hoài bão lớn lao của Người nhiều phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”…Phong trào “Dạy tốt, học tốt”, “Thực hiện 12 điều y đức”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”…“Thi đua quyết thắng”, “Vì an ninh Tổ quốc” gắn với phong trào “Học tập và thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy công an nhân dân”…Với phụ nữ “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”; với thanh niên” thì "Xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc" ; "Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp" …

Ý nghĩa của Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh có tác dụng hiệu triệu, có sức lôi cuốn, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi hy sinh gian khổ hoàn thành tốt nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng. Đặc biệt trong những thời khắc cam go, ác liệt của dân tộc, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực sự trở thành một động lực cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

 Không những thế, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là sự kết tinh và thể hiện tập trung những nội dung cơ bản tư tưởng của Người về thi đua ái quốc; là văn kiện chứa đựng những chỉ dẫn quý báu, có giá trị sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn đối với phong trào thi đua yêu nước; là những quan điểm, chỉ đạo, định hướng phong trào thi đua yêu nước trong nhiều thập kỷ qua; là cơ sở để Đảng, Nhà nước bổ sung, hoàn thiện đường lối, chủ trương về thi đua yêu nước, về công tác thi đua - khen thưởng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng; đặc biệt là thể hiện sự rõ nét tính hệ thống và nhất quán trong tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, về xây dựng đời sống mới, xã hội mới, con người mới.

Qua đó, có thể thấy 75 năm qua, tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Ðảng và Nhân dân ta vận dụng sáng tạo trong từng giai đoạn cách mạng. Các phong trào thi đua đã động viên các tầng lớp Nhân dân vượt qua gian nan, thử thách và trở thành động lực to lớn, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, những kết quả đạt được trong các phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng 75 năm qua đã thực sự trở thành một động lực mạnh mẽ thúc đẩy mọi tầng lớp Nhân dân phát huy tài năng, trí tuệ, sáng kiến, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, phát triển đất nước và xây dựng nền văn hoá và con người Việt Nam. 

Để tiếp tục phát huy ý nghĩa, giá trị của Lời kêu gọi thi đua ái quốc và sức mạnh của các phong trào thi đua yêu nước, tạo khí thế thi đua sôi nổi, rộng khắp trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, ngày 4/3/2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 258/QĐ-TTg về việc lấy ngày 11 tháng 6 hàng năm là Ngày truyền thống thi đua yêu nước./.

Các tin khác

VĂN BẢN MỚI

THĂM DÒ Ý KIẾN

0 người đã tham gia bình chọn