sơ đồ - Thành ủy Đông Hà

ĐỌC VÀ SUY NGẪM THƯ GỬI CHO HỌC SINH CỦA BÁC HỒ

11:25, Thứ Tư, 31-8-2022

Ngày 5/9/1945 - ba ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc “Tuyên ngôn độc lập”, Người viết Thư gửi cho học sinh nhân ngày khai giảng năm học đầu tiên (1945 - 1946) của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Bức thư này của Hồ Chủ tịch là một tư liệu lịch sử vô cùng quý báu không chỉ của ngành Giáo dục - Đào tạo, mà còn của Đảng, Nhà nước và toàn dân ta. Bức thư là tâm huyết của Bác Hồ đối với học sinh, sinh viên cả nước (trong thư này, khái niệm “học sinh” bao gồm cả sinh viên), thể hiện muôn vàn tình thân yêu, niềm tin và hy vọng của Người đối với thế hệ trẻ trong việc rèn luyện đạo đức, gắng công học tập để trở thành những công dân hữu ích, phấn đấu đưa nước nhà tiến tới văn minh, giàu mạnh.

Năm 1990, giáo sư Hà Thế Ngữ và các cộng sự, dựa trên những tài liệu mới được phát hiện (do Ban Bí thư Trung ương Đảng, Viện Mác- Lênin, Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh và Nhà xuất bản Sự Thật công bố), đã in nguyên vẹn bức thư của Bác trong tập “Hồ Chí Minh - Về vấn đề giáo dục". Đây là văn bản xác thực nhất, lần đầu tiên được công bố về bức thư bất hủ của Bác Hồ.

Mở đầu bức thư, với tình cảm hết sức thân ái, gần gũi, tâm tình, Bác đã hòa chung niềm vui với học sinh cả nước nhân ngày khai giảng năm học mới: “Ngày hôm nay là ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Tôi đã tưởng tượng thấy trước mắt cái cảnh nhộn nhịp, tưng bừng của ngày tựu trường ở khắp các nơi. Các em hết thảy đều vui vẻ vì sau mấy tháng giời nghỉ học, sau bao nhiêu cuộc chuyển biến khác thường, các em lại được gặp thầy, gặp bạn. Nhưng sung sướng hơn nữa, từ giờ phút này giở đi, các em bắt đầu được nhận một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam”.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đã đổi đời cho dân tộc ta, từ kiếp nô lệ lầm than đứng lên làm chủ nước nhà, mở ra tương lai tươi sáng cho thế hệ trẻ. Bác Hồ khẳng định: Cách mạng tháng Tám đã tạo dựng một nền giáo dục mới, khác hẳn về bản chất nền giáo dục nô dịch của thực dân Pháp đối với nhân dân ta. Nền giáo dục mới, thấm đậm chủ nghĩa nhân văn cao cả, tôn trọng con người, vì con người và cho con người, nhằm phát triển con người một cách toàn diện. Tư tưởng và tình cảm của Bác sâu lắng và chứa chan trong lời văn ấm áp, chân tình: “Trước đây, cha anh các em, và mới năm ngoái cả các em nữa, đã phải chịu nhận một nền học vấn nô lệ, nghĩa là nó chỉ đào tạo nên những kẻ làm tay sai, làm tôi tớ cho một bọn thực dân người Pháp. Ngày nay các em được cái may mắn hơn cha anh là được hấp thụ một nền giáo dục của một nước độc lập, một nền giáo dục nó sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”.

Để có được một nền giáo dục tốt đẹp như vậy, nhân dân ta đã phải đổ biết bao mồ hôi, xương máu. Bác Hồ không quên nhắc nhở học sinh truyền thống tốt đẹp của dân tộc: “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Bác viết: “Các em được hưởng cái may mắn đó là nhờ sự hy sinh của biết bao nhiêu đồng bào các em. Vậy các em nghĩ sao? Các em phải làm thế nào để đền bù lại công lao của người khác đã không tiếc thân và tiếc của để chiếm lại nền độc lập cho nước nhà”.

Trọng tâm của bức thư, Bác Hồ căn dặn học sinh cả nước với tình cảm của “một người anh lớn”: “Các em hãy nghe lời tôi, lời của một người anh lớn lúc nào cũng ân cần mong mỏi cho các em được giỏi giang. Trong năm học tới đây, các em hãy cố gắng, siêng năng học tập, ngoan ngoãn, nghe thầy, yêu bạn. Sau 80 năm giời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho nước ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp được hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

Trước đây, trong các văn bản về bức thư này (in sách, đăng báo, trong các diễn văn,...), nhiều người thường trích dẫn phần cuối của đoạn văn trên; song không đúng với nguyên bản bức thư của Bác, và lại không dẫn chứng phần đầu của đoạn văn nổi tiếng này. Thật là một thiếu sót lớn và rất đáng tiếc. Trong nguyên bản bức thư, Bác Hồ có cách xưng hô rất khiêm tốn và chân tình, đó là đặc trưng tính cách của Người, nhất là ở những ngày tháng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà non trẻ. Đối với học sinh, Bác nhận mình là “người anh lớn”, xưng “tôi”, gọi học sinh là “các em” như tình cảm ruột thịt. Đúng như nhà thơ Tố Hữu đã viết về Bác:

 

                    Người là Cha, là Bác, là Anh

                    Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ

 

                                                                  (Sáng tháng Năm - Tố Hữu)

 

Bác Hồ không đứng ở vị thế của vị lãnh tụ tối cao của dân tộc, mà hoà nhập vào tình cảm gia đình của các em mà bày tỏ tư tưởng và tình cảm của mình. Bác không chỉ khuyên nhủ học sinh tu dưỡng đạo đức, gắng công học tập cho được giỏi giang, mà hơn thế nữa, Người còn thể hiện niềm tin tưởng vào khả năng và vai trò to lớn của các em trong công cuộc kiến thiết nước nhà. Vừa đề ra yêu cầu cao đối với các em, vừa bộc lộ niềm yêu mến và tin cậy vào thế hệ trẻ - đó là phương pháp giáo dục tốt nhất mà Bác Hồ đã truyền dạy cho chúng ta. Lời văn của Bác thể hiện tầm nhìn xa trông rộng, trí tuệ sáng suốt, tâm hồn giàu tình cảm khiến người đọc xúc động, tạo thành một sức mạnh lớn lao cổ vũ, khích lệ mọi người tiến tới.

Trong hoàn cảnh nước nhà mới giành được độc lập, thực dân Pháp rắp tâm xâm lược nước ta lần nữa, Bác Hồ đã nhắc nhở học sinh ý thức công dân, nghĩa vụ đối với Tổ quốc: “Riêng với các em lớn, tôi khuyên thêm một điều này: chúng ta đã đánh đuổi bọn thực dân, chúng ta đã giành được độc lập. Nhưng giặc Pháp còn lăm le quay lại. Chúng ỷ vào kẻ khác mạnh hơn để gây sự với ta. Tất nhiên chúng sẽ bị bại, vì tất cả quốc dân ta đoàn kết chặt chẽ và một lòng chiến đấu cho giang sơn Tổ quốc. Phải sẵn sàng mà chống quân giặc cướp nước, đấy là bổn phận của mỗi công dân. Các em lớn chưa hẳn đến tuổi phải gánh công việc nặng nhọc ấy, nhưng các em cũng nên, ngoài giờ học ở trường, tham gia vào các Hội cứu quốc để tập luyện thêm cho quen với đời sống chiến sĩ và để giúp đỡ một vài việc nhẹ nhàng trong cuộc phòng thủ đất nước”.

Đoạn cuối bức thư, Bác viết: “Tôi đã

 thành thực khuyên nhủ các em. Mong rằng những lời của tôi được các em luôn luôn ghi nhớ. Ngày hôm nay, nhân buổi tựu trường của các em, tôi chỉ biết chúc các em một năm đầy vui vẻ và đầy kết quả tốt đẹp”.

77 năm đã trôi qua, những lời căn dặn trong bức thư của Bác Hồ vẫn như còn nồng ấm, thiết tha trong trái tim mỗi người dân Việt Nam. Những ngày đầu tháng 9 này, hơn một triệu giáo viên các cấp và hơn hai mươi triệu học sinh, sinh viên cả nước đang chung niềm vui ngày tựu trường. Thiết nghĩ, mỗi dịp này, tất cả các trường học nên tổ chức cho giáo viên, học sinh, sinh viên đọc, thảo luận về những bài học trong bức thư của Bác, từ đó liên hệ áp dụng vào dạy và học, để việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong mỗi nhà trường thêm hiệu quả, thiết thực.

Các tin khác

VĂN BẢN MỚI

THĂM DÒ Ý KIẾN

0 người đã tham gia bình chọn