sơ đồ - Thành ủy Đông Hà

Trung tâm Y tế thành phố Đông Hà chủ động phòng tránh ngộ độc thực phẩm trong mùa hè

10:12, Thứ Tư, 22-5-2024

Mùa hè với thời tiết nắng nóng, nhiệt độ môi trường tăng cao là điều kiện thuận lợi để các loại vi trùng, vi sinh vật gây bệnh sinh trưởng và phát triển làm gia tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Ngộ độc thực phẩm có thể do hóa chất hoặc do vi sinh vật gây bệnh gây ra. Nếu không cẩn trọng rất dễ bị ngộ độc thực phẩm do ăn uống phải các thực phẩm nhiễm bệnh. Trong thời gian qua, tình trạng ngộ độc thực phẩm trên toàn quốc xảy ra nhiều như ở tỉnh Thái Bình gần 20 người nhập viện, một người tử vong sau bữa cỗ cưới có món tiết canh dê; ở tỉnh Đồng Nai hơn 500 người bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì… đó là tình trạng báo động.

Ngộ độc thực phẩm thường hay gặp trong mùa hè, có thể có nhiều người cùng mắc trong một gia đình hoặc trong một bữa tiệc, do ăn chung các loại thức ăn bị ô nhiễm. Ngộ độc thực phẩm có thể do thực phẩm bị nhiễm hóa chất, chứa độc tố tự nhiên, bị biến chất, bị nhiễm vi sinh vật gây bệnh làm cho thực phẩm bị ôi thiu. Trong mùa hè, với thời tiết nóng và ẩm, thiếu nước sạch, trang thiết bị bảo quản không đầy đủ, không bảo đảm vệ sinh, nguyên liệu tươi sống không bảo đảm an toàn dẫn tới nguy cơ ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm rất cao. Cùng với đó, mùa hè còn làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường, ô nhiễm do rác thải, nước thải và sự phát triển mạnh của côn trùng vi sinh vật truyền bệnh…

          Để chủ động phòng tránh ngộ độc thực phẩm trên địa bàn thành phố Đông Hà, thời gian qua Trung tâm Y tế thành phố đã thực hiện tốt công tác giám sát ngộ độc thực phẩm; tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho đội ngũ nhân viên ở 150 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn thành phố Đông Hà. Bên cạnh đó, để tăng cường các biện pháp bảo đảm vệ sinh ATTP, phòng, chống ngộ độc thực phẩm. Trung tâm Y tế thành phố Đông Hà đã phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành VSATTP kiểm tra, nhắc nhở các cơ sở kinh doanh ăn uống cần chú trọng kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm, ký hợp đồng, mua bán thực phẩm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm có uy tín, chấp hành tốt các quy định về ATTP; nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ, sạch, an toàn đã được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận, xác nhận về ATTP theo quy định và còn hiệu lực.  Đến thời điểm hiện tại trên địa bàn thành phố Đông Hà chưa ghi nhận có vụ ngộ độc thực phẩm nào xảy ra.

          Tuy nhiên, ngộ độc thực phẩm luôn có thể xảy ra, do tình trạng không an toàn vệ sinh thực phẩm đang có tính chất phổ biến khắp mọi nơi. Vì sức khỏe của người tiêu dùng và toàn xã hội, cần đặt vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm là một trong những vấn đề phòng bệnh hàng đầu. Để phòng, tránh ngộ độc thực phẩm, chúng ta cần thực hiện 10 nguyên tắc chế biến thực phẩm an toàn như sau:

          1. Chọn thực phẩm an toàn.

          2. Nấu kỹ thức ăn.

          3. Ăn ngay khi thức ăn vừa được nấu chín.

          4. Bảo quản cẩn thận thực phẩm đã nấu chín.

          5. Đun kỹ lại thực phẩm trước khi ăn.

          6. Không để lẫn thực phẩm sống và chín.

          7. Luôn giữ tay chế biến thực phẩm sạch sẽ.

          8. Giữ bề mặt chế biến, bếp luôn khô ráo, sạch sẽ.

          9. Bảo vệ thực phẩm khỏi các loài côn trùng, loài gặm nhấm và các động vật khác.
          10. Sử dụng nguồn nước sạch

          Để đảm bảo tốt an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình hiện nay, lãnh đạo chính quyền các cấp, người đứng đầu các đơn vị cần chủ động tích cực chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về an ninh, an toàn thực phẩm; người sản xuất kinh doanh thực phẩm cần kiểm soát an toàn thực phẩm ngay từ yếu tố đầu vào, ưu riên phát triển các vùng chuyên canh, sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn liên kết với các chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn. Không sử dụng chất cấm, lạm dụng kháng sinh, hóa chất không rõ nguồn gốc. Người tiêu dùng cần lựa chọn chế biến, bảo quản thực phẩm an toàn, không sử dụng thực phẩm ôi thiu, hỏng, mốc; phát hiện tố giác hành vi vi phạm an ninh, an toàn thực phẩm. Bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm là trách nhiệm của chính quyền các cấp và của toàn xã hội. Vì sự phát triển kinh tế, xã hội, vì sức khỏe cộng đồng hãy “Bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới” để góp phần phòng tránh hiệu quả ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm cho cả cộng đồng./.

 

Các tin khác

VĂN BẢN MỚI

THĂM DÒ Ý KIẾN

0 người đã tham gia bình chọn